II.
BINH-KHÍ CỔ-TRUYỀN
3 - Binh-Khí Cán Dài
THƯƠNG
槍
Thương-Pháp
槍 法
Theo nhũng gì đã nói ở phần Khảo Luận về Thương, Thương-pháp của Việt-Nam khác hẳn Thương-Pháp của Trung-Hoa do sự cấu-trúc khác-biệt giữa cây Thương Việt-tộc và cây Thương Hoa-tộc, và do quan-điểm Võ-Thuật dị-biệt.
Trong Thương-pháp của Việt-Nam phương-cách áp-dụng những thức « Lan 攔 », « Nả 拿 », « Trát 鍘 », « Thích 刺 », « Quyển 捲 », « Trảm 斬 », hoàn-toàn khác hẳn đối với Thương-Pháp của Trung-Hoa.
Chúng ta chỉ cần đem những bài Thương-pháp lừng danh thời Nhà Tây-Sơn (1788-1802) như các bài « Nghiêm-Thương 嚴 槍 », « Độc-Lư Thương 獨 爐 槍 », hay « Tiểu-Nã Sát-Thương 剿 拿 殺 拿 », v.v. - chưa bị sửa-chế lại vào những lúc sau này - ra so-sánh với các bài nổi tiếng của Trung-Hoa như bài « Lê-Hoa Thương 棃 花 槍 » thời Nhà Tống (960-1279), bài « Mai-Hoa Thương 梅 花 槍 » thời Nhà Minh (1368-1644) hay bài « Thương Sơn 槍 山 » thời Nhà Mãn-Thanh (1644-1911) là đủ thấy rõ sự khác-biệt. .
Khi nhìn thấy một Võ-Sư dạy Võ-Sinh thị-phạm một bài Thương-pháp Việt theo lối Thương-pháp Trung-Hoa là chúng ta đủ hiểu rằng Thương-pháp Việt đã quá ít được các bậc Tiền-Bối lưu-truyền và hiện nay đang trải nguy-cơ lớn sẽ bị đồng-hóa bởi Thương-Pháp Trung-Hoa.
Người biết cái hay của Thương-Pháp Đại-Việt, thì không bao giờ dám lấy Thương-pháp Trung-Hoa ra sửa chế lại Thương-pháp Việt-tộc.
Thương-Trận Nhà TỐNG
Bài Thảo
« Lê-Hoa-Thương »
棃 花 槍
Sư-Trưởng Trương Thanh Đăng
diễn Thảo-pháp « Lê Hoa Thương »
Lê-Hoa Thương-Pháp bắt nguồn từ « Lục-Hợp Thương-Pháp » của Sáu Dòng Võ, thuộc họ : 1.Dương 楊, 2.Cao 皐, 3.Sa 沙, 4.Mã 馬, 5.La 羅, 6.Lưu 劉.
Kỳ thật, « Lê-Hoa Thương-Pháp » được kết-tinh từ « Kim-Thương (金 槍) », « Hồi-Mã Thương (回 馬 槍) », « Lê-Hoa Kỳ-Trận (棃 花 奇 陣) », « Hắc-Điêu Thương (黑 鷂 槍) », « Bạch-Điêu Thương (白 鷂 槍) » và « Quyển-Thương (圏 槍) ».
Lê-Hoa Thương-Pháp gồm đủ các thế « Lan 攔 », « Nả 拿 », « Trát 鍘 », « Thích 刺 », « Quyển 捲 », « Trảm 斬 ». Người học bài « Lê-Hoa Thương » này phải cần được truyền-đạt chính-xác các Chiêu-Thức, đúng-đắn theo thứ-tự mỗi câu Thiệu, mới lãnh-hội được sự biến-hoá thần-kỳ ảo-diệu của bài cổ-thương thời Triều-Đại NHà TỐNG (960-1279) này.
Hiện nay có một số Võ-Đường SA-LONG-CƯƠNG không truyền đạt bài Thảo « Lê-Hoa Thương » đúng theo bài Thiệu vì nhầm lẫn với một số chiêu-thức của các bài Thảo « Trung-Bình-Tiên » và « Roi Phượng-Hoàng », khiến bài Thảo-pháp Cổ-Thương « Lê Hoa » hiếm quí của Trung-Hoa ngày xưa bị suy vong trong những Võ-Đường đó của họ, vì sai-lạc và khiếm-khuyết quá nhiều Chiêu-Thức quan-trọng của Lê-Hoa Thương-Pháp.
Dưới Triều Nhà TỐNG (SONG 960-1279), Tướng Lý-Toàn (Li Quang 李 全), mệnh danh "Lý-Thiết-Thương" (Li Tie Qiang - 李 鐵 槍), có phu-nhân tên là Dương-Diệu-Chân (Yang Miaozhen 楊 妙 眞), thuộc dòng-dõi DƯƠNG-gia Tướng (Yang Jia Jiang 楊 家 將), suốt 20 năm bà đã từng vô-địch với Lê-Hoa Thương-Pháp.
Chiếu theo truyền-thống Võ-Trận, khi môn-sinh học xong Thương-Pháp và nêu cao tinh-thần thượng-võ, thì được Sư-Trưởng TRƯƠNG-Thanh-Đăng truyền-đạt cách họa « Đạo-Phù Cầm Máu » (Mandala) và cách niệm « Thần-Chú » (Yantra) - gồm có 4 câu, 30 chữ - đặng linh-hiệu-hóa để trị vết thương ngưng chảy máu, ngoài chốn sa-trường. Dù ngày nay đã có thuốc cầm-máu (Hémostatique) của y-dược tân-tiến, truyền-thống « Đạo-Phù » và «Thần-Chú» này trong Võ-Trận, vì giá-trị văn-hóa, vẫn còn được cẩn-trọng bảo-trì tại hải-ngoại.
Thương-Trận Nhà TÂY-SƠN
Bài Thảo
« Độc-Lư-Thương »
獨 爐 槍
Bài Thương căn-bản nổi danh cüa Võ-Thuật Cổ-Truyền Việt-Nam là bài « Ðộc-Lư-Thương » (獨 爐 槍), sáng-tác vào năm 1770, thuộc về Thương-Pháp Nhà Tây-Sơn (1778~1802), biểu-tượng cho Tam-Kiệt NGUYỄN-Nhạc, NGUYỄN-Lữ và NGUYỄN-Huệ qua hình-thể một chiếc Lư ba chân vạc.
Bài Ðộc-Lư Thương-pháp này được mật-mã-hóa bằng 15 câu Thiệu, 41 Thức, gồm 60 Thế công và thủ liên-hoàn, là do cố Võ-Sư Đoàn Thọ Sơn lưu-truyền hậu-thế.
Rất đáng tiếc là sau năm 1998, bài Thảo « Ðộc-Lư Thương » đã bị một số người, vì không am-tường Thương-Pháp Đại-Việt, cũng như vì không được chân-truyền Thảo-Pháp này, họ đã độc-đoán đi pha-chế lại theo thương-pháp Trung-Quốc, làm hủy-hoại một di-sãn võ-học Việt-tộc đã được bao Tiền-Bối khổ công bảo-trì qua năm dài tháng rộng ! Tuy-nhiên những ai trong chúng ta đã từng được chân-truyền bài Thương-Pháp Tây-Sơn này của cố Sư-Trưởng ĐOÀN-Ngọc-San thuộc Dòng Võ Thầy HAI-Hựu thủa trước, đều nhận-định rõ sự khác-biệt.
(Xin nhắc lại ở đây rằng Thầy Hai-Hựu là môn-đồ của Ông Cai Hạnh, đệ-tử của Dòng Võ cụ « Hành-Khiển PHẠM-Tường », tức là Ông Cố của Sư-Trưởng PHẠM-Thi ngày nay.)
Thương-Pháp Danh-Tướng Đại-Việt
Bài Thảo
« Nghiêm-Thương »
嚴 槍
Bài Thương-pháp hiếm quí cüa Võ-Trận Truyền-thống nước Việt là bài Thảo-pháp « Nghiêm-Thương » (嚴 槍) do chính ông Nguyễn Đình Tâm (tự là Đông-Vũ) phổ-truyền năm 1999, và ông được cấp Võ-bằng « Chuẫn Võ-Sư ».
Theo tài-liệu Võ-Học của ông Đông-Vũ đưa ra, thì bài Thảo « Nghiêm-Thương » (嚴 槍) đã được sáng-tác vào ngày 13 tháng 04 năm Tân-Mão (1771), thuộc về Thương-Pháp Nhà Tây-Sơn (1778~1802).
Điều thật đáng tiếc vô-cùng là bài Thiệu « Nghiêm-Thương » (嚴 槍) này đã bị người ta phiên-dịch sái-nghĩa theo bạch-âm lại còn viết thành bài Vè sai niêm-luật thi-văn, rồi lại bị người ta lấy kỷ-thuật trong Thương-pháp Trung-hoa ra vá-víu với vài Chiêu-Thức trong U-Linh-Thương và Độc-Lư-Thương của Đại-Việt để độc-đoán ngụy-chế toàn-bộ bài Thảo-pháp « Nghiêm-Thương » đặng đánh bóng danh xưng Võ-Phái hỗn-hợp Hoa-Việt của họ, mà ông Đông-Vũ thì không có đủ bản-lãnh và vị-thế để bảo-tồn Thương-pháp của Dòng Võ Ông Cha đã khổ công lưu-truyền từ xa xưa đến nay.
Khi bài Thiệu « Nghiêm-Thương » (嚴 槍) truyền đến Ông Đông-Vũ NGUYỄN Đình Tâm thì bản sao-chép bằng Quốc-ngữ bị sai-trật Ba chữ ở câu thứ 4, câu thứ 7 và câu thứ 8, nhưng khi qua đến tay ông Vũ Ngọc Liễn diễn-dịch ra Hán-ngữ thì thành ra sai-trật tới Chín chữ trong 8 câu Thiệu ! Rồi càng về sau lại càng có thêm người ngụy-chế sửa đổi ngữ-vựng trong bài Thiệu, khiến cho nó trở thành khôi-hài và vô-nghĩa-lý. Mà âu hẳn đấy cũng là cái Giá mà Chữ viết có lắm « Đồng-Âm Dị-Nghĩa » phải trả cho sự La-Tinh-Hóa (Romanisation) ngôn-ngữ Việt-tộc bởi Alexandre de Rhodes !
May thay Hồn Thiêng sông núi nước Việt vẫn hiển-linh âm-phò mặc-trợ nền Võ-Học cổ-truyền của dân-tộc Việt, và bài Thiệu cũng như Thảo-pháp « Nghiêm-Thương » (嚴 槍) vẫn hãy còn được bảo-tồn trên Miền Đất Võ Bình-Định và tại hải-ngoại qua Học-Viện Võ-Trận Đại-Việt của chúng tôi.
Thật ra, bài Thảo « Nghiêm-Thương » (嚴 槍) được mật-mã-hóa bằng bài Thiệu viết theo thể Thơ Thất-Ngôn Bát-Cú (56 chữ) toàn bằng tiếng Hán-Việt rất là hay, mật-mã-hóa 88 Chiêu-Thức của Thương-Thuật trận-mạc, âm-vang tiết-tấu như một bản Hùng-Ca. Chúng ta có thể nói không ngoa rằng đó là một trong số bài Thương-pháp hiềm-quí hay nhất của nước Đại-Việt còn được lưu-truyền và lại được mật-mã-hóa bằng một trong những bài Thiệu Võ tuyệt-vời nhất về phương-diện văn-chương !
Tuy-nhiên, bài Thảo này cần phải được chân-truyền cách phân-thế trong tám câu Thiệu bí-hiểm, cùng cách thi-triển những Thức : « Lan 攔 », « Nả 拿 », « Trát 鍘 », « Thích 刺 », « Quyển 捲 », « Trảm 斬 », « Lạp 拉 » « Bạt 拔 » đặc-thù của Thương-Thuật Đại-Việt.
Thương-Pháp Cổ-Truyền Bình-Định
Bài Thảo
« Liễu-Diệp-Thương »
柳 葉 槍
Bài Thảo Thương-pháp trứ-danh cüa Võ-Thuật Cổ-Truyền Bình-Định là bài « Liễu-Diệp Thương » (柳 葉 槍), đã từng được xưng-tụng là :
Bình-Định vang danh thiên-hạ hữu
« Liễu-Thương » nan địch thế-gian vô.
Võ-Sư Trần Quang Diễn dang thao-diễn
Thế « Độc Đảo Long Xà »
trong bài Thảo-pháp
« Liễu-Diệp Thương » ( 柳 葉 槍 ).
Võ-Sư Trịnh-Quang-Thắng đang thao-diễn
Thế « Tả Hoành Khai Đảo Mã Long Xà » trong bài
Thảo-pháp « Liễu-Diệp Thương » ( 柳 葉 槍).
Bài Thảo « Liễu-Diệp Thương » (柳 葉 槍) này do cố Võ-Sư Trần-Quang-Diễn, thuộc Hệ-Phái của cụ Xả-Đàng HÀ-HÂN, lưu-truyền hậu-thế, gồm có 17 câu Thiệu viết theo thể Thơ Thất-Ngôn (119 chữ), mật-mã-hóa 53 Chiêu-Thức, bao-hàm những kỷ-thuật công-thủ mật-thiết liên-hoàn, biến-hóa thâm-sâu ảo-diệu.
Thương-Trận Đại-Việt
Bài Thảo
« Trường-Thương »
長槍
Bài Thảo nổi tiếng về Thương-pháp Cổ-Truyền Bình-Định là bài « Trường-Thương » (長 槍) của Dòng Võ cụ Khiển PHẠN & Khiển THI, mật-mã hóa bằng 5 câu Thiệu viết theo thể Thơ Tứ-Ngôn Liên-Hoàn.
Đây là một bài Thảo hiếm quí của Thương-Trận Đại-Việt thủa xưa, huấn-luyện tướng-sĩ dùng Thương tung-hoành tứ-phương phá trận và chiến-đấu giữ-gìn doanh-trại, đã được hậu-duệ Dòng Võ cụ Khiển PHẠN & Khiển THI là Sư-Trưởng BA-Phong lưu-truyền hậu thế qua Học-Viện Võ-Trận Đại-Việt của chúng tôi.
Thương-Trận Đại-Việt
Bài Thảo
« Bách-Thế Trường-Thương »
百勢長槍
Bài Thảo Thương-pháp lừng-danh cüa Võ-Trận Cổ-Truyền ĐẠi-VIỆT là bài « Bách-Thế Trường-Thương » (百勢長 槍), được mật-mã hóa bằng 18 câu Thiệu viết theo thể Thơ Thất-Ngôn Liên-Hoàn.
Danh xưng « Bách-Thế Trường-Thương » (百勢長槍) này không có nghĩa là bài Thảo Thương-pháp gồm có 100 Thế mà là Thành-ngữ dùng để ám-chỉ sự biến-hóa vô-cùng theo Tượng-Số Âm-Dương trong Hà-Đồ ( 河 圖) và trong Lạc-Thư ( 洛 書) là 55 + 45 = 100.
Đây là một bài Thảo hiếm quí của Thương-Trận Đại-Việt thủa xưa, huấn-luyện tướng-sĩ đánh trên bộ cũng như trên lưng ngựa, đã được Sư-Tổ PHẠM-Tường (Khiển-TƯỜNG) của Dòng Võ-Trận PHẠM-Khảo, Võ-Quan Đệ-Nhứt Phẩm vương-triều, mà hậu-duệ là Sư-Trưởng PHẠM-Thi, lưu-truyền hậu thế qua Học-Viện Võ-Trận Đại-Việt của chúng tôi.
(Còn Tiếp...)
Ban Võ-Sư |